Năm vấn đề ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam

Nước sạch ngày càng khan hiếm cho nhu cầu sử dụng sinh hoạt và canh tác nông nghiệp. Ảnh: Kinh Luân.

Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), để tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước, cần giải quyết được bốn vấn đề: hệ quả xã hội, kinh tế và môi trường khi lấy nước từ thiên nhiên; quan hệ giữa sử dụng đất và nguồn nước; sự trả giá khi có sự chuyển đổi nguồn nước và sử dụng đất; những vấn đề xã hội cần lưu ý khi có sự khủng hoảng nguồn nước. Trong chuyên đề “An ninh nguồn nước” tuần này của TBKTSG, các nhà khoa học đã liên hệ thực tiễn ở Việt Nam với những khuyến cáo trên...

Việt Nam có nhu cầu lớn về sử dụng nước để phục vụ cho hai thế mạnh quốc gia là sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam đang và sẽ đối mặt với các thách thức an ninh nguồn nước từ năm vấn đề sau:

Trên 60% dòng chảy sông ngòi là từ nước ngoài

Việt Nam có khoảng 208 con sông lớn nhỏ, trong đó có 126 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa, 76 con sông từ trong nước chảy qua nước khác và 4 con sông chảy vào nhưng sau đó lại chảy ra. Việt Nam có 8 lưu vực sông là lưu vực liên quốc gia, đặc biệt là các hệ thống sông lớn như sông Mêkông, sông Hồng, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai. Về tổng lượng dòng chảy năm thì có trên 60% là từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia chảy vào Việt Nam.

Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới cho nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam. Các đập thủy điện đã và dự kiến xây dựng ở Trung Quốc đã làm quy luật dòng chảy trên sông Mêkông và sông Hồng bị thay đổi. Trung Quốc và Thái Lan còn có dự án chuyển dòng Mêkông sang lưu vực khác và kế hoạch mở rộng diện tích tưới ở Campuchia khiến nguồn cung nước về hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng giảm sút. Các đập thủy điện ở Trung Quốc, Lào và Campuchia sẽ là mối đe dọa làm giảm sút nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và hệ sinh thái đất ngập nước.

Sự phân phối nguồn nước không đều

Tổng lượng mưa năm của Việt Nam là cao nhưng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Có những nơi mưa rất cao như vùng Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), lên đến 8.000 milimét/năm, trong khi đó những vùng như Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận), mưa rất thấp chỉ từ 400-700 milimét/năm.

Sự phân bố lượng mưa theo thời gian cũng bất tương xứng, như lượng mưa mùa khô vùng ĐBSCL không đến 10% kéo dài gần bảy tháng so với 90% tập trung vào năm tháng mùa mưa.

Tổng lượng dòng chảy mặt thay đổi rõ giữa các mùa trong năm, chiếm 75-85% cho mùa mưa lũ, phần còn lại chia cho các tháng mùa khô.

Mêkông là hệ thống sông lớn nhất Việt Nam (chiếm gần 60% tổng lượng nước quốc gia), gấp 54 lần lượng nước vùng Đông Bắc. Lưu lượng mùa lũ của sông Mêkông đổ về có thể lên đến gần 40.000 mét khối/giây nhưng trong mùa khô, có năm tụt thấp đến 1.200-1.700 mét khối/giây tạo nên tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài.

Nhiều sông ở Tây Nguyên gần như không có nước chảy trong mùa khô. Nhiều vùng ở Việt Nam cho thấy chênh lệch mực nước ngầm giữa mùa khô và mùa mưa từ vài mét đến hàng chục mét, nhất là các vùng núi Tây Bắc và Tây Nguyên.

Sự hình thành các đập thủy điện ở thượng nguồn làm mất cân đối nguồn nước ở Việt Nam thêm trầm trọng. Mục tiêu chính của các công trình thủy điện này là phát điện và bán điện theo nhu cầu công nghiệp và tiêu dùng chứ không là điều tiết nước nên sẽ khó mà tiên lượng cho an ninh nguồn nước. Ngoài ra, chuỗi các nhà máy thủy điện do nhiều công ty khác nhau quản lý và khai thác nên khó có một điều phối chung, nguồn nước phía hạ lưu sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định đóng - mở cửa van kiểm soát nước của các công ty này.

Thiên tai và biến đổi khí hậu đang đe dọa tài nguyên nước

Nếu 12 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mêkông được xây dựng, sẽ biến khoảng một nửa chiều dài dòng sông ở vùng hạ lưu, từ một dòng sông sống sang một loạt hồ trữ nước. Nước sẽ bị lưu giữ rất lâu, có thể chảy về Campuchia và ĐBSCL muộn vài tuần đến hơn một tháng so với bình thường, cả trong mùa khô và mùa nước.

Khi các đập được xây dựng thì hai mùa chuyển tiếp giữa mùa nước và mùa khô của bốn mùa trên dòng Mêkông sẽ bị rút ngắn hoặc biến mất. Cá và các loài thủy sinh sẽ không còn nhận được tín hiệu của dòng sông để sinh sản. Sự giảm năng suất cá sẽ tác động rất lớn đến an ninh thực phẩm trong toàn vùng. Thủy sản nuôi không thể thay thế thủy sản tự nhiên được bởi vì thủy sản nuôi cần thủy sản tự nhiên làm thức ăn.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện

Thiên tai và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến cán cân nguồn nước. Bão lũ được xem là thiên tai gây thiệt hại lớn nhất ở Việt Nam. Lũ lớn gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản, làm sạt đất, lở núi, xói bờ và xâm thực ven biển. Xu thế thiếu nước như dòng chảy kiệt, nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn đang đe dọa cả nước.

Điều kiện thiếu nước và nhiệt độ cao đe dọa gia tăng cháy rừng. Nước biển dâng làm tài nguyên nước xấu đi về mặt chất lượng. Nguồn nước ngầm ở Việt Nam cũng bị tác động dây chuyền như giảm mực thủy cấp và nhiễm mặn.

Việt Nam, đặc biệt với ĐBSCL, đang là một “điểm nóng” về biến đổi khí hậu và nước biển dâng - gây tổn thương cho sinh kế của người dân. Nếu nồng độ khí CO2 gia tăng gấp đôi so với hiện nay, lượng mưa tháng ở Việt Nam sẽ biến động nhiều, mùa khô khốc liệt hơn và lượng mưa sẽ giảm vào đầu mùa nhưng gia tăng vào cuối mùa.

Thay đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ở Việt Nam. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu gây trầm trọng thêm nạn hạn hán, nên các nước thượng nguồn càng muốn tìm cách giữ nước và chuyển nước trên địa phận của họ khiến vùng hạ lưu chịu tác động kép của biến đổi khí hậu.

Chất lượng nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng

Do áp lực tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa, nhu cầu lương thực cao, thu hẹp diện tích đất đai và rừng đầu nguồn đang diễn ra ngày càng cao khiến nguồn nước bị khai thác triệt để. Sự suy thoái chất lượng nước là khó kiểm soát hiệu quả.

Nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do độc chất từ các chất thải hữu cơ và vô cơ, dư lượng thuốc hóa nông. Rừng bị chặt phá trái phép, làm thủy điện... khiến hạn chế việc điều tiết nguồn nước. Mất mát lớn từ sự hủy hoại rừng để làm thủy điện trong vài năm qua trên các sông ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ đã làm cho người dân nghèo bị tổn thương nặng do lũ lụt và hạn hán, hệ sinh thái bị nghèo kiệt, đất bị xói mòn nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng bị tàn phá...

Nguồn nước dưới đất bị tụt giảm, nhiều nơi bị nhiễm mặn, nhiễm asenic hoặc bị thông tầng khiến chất ô nhiễm trên mặt thấm xuống các vỉa nước ngầm. Nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện không có hệ thống xử lý nước hiệu quả và tất cả đổ vào các kênh mương, sông rạch và cống rãnh khiến thủy vực bị ô nhiễm vượt gấp hàng trăm lần mức cho phép của tiêu chuẩn quốc gia.

Nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao

Do áp lực gia tăng sản xuất và tăng chất lượng sống, nhu cầu nước tăng nhanh chóng. Nếu năm 1990, nhu cầu nước riêng cho dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam khoảng 50 tỉ mét khối/năm thì đến năm 2000, số liệu này là 65 tỉ mét khối/năm, năm 2010 đã nhảy lên 72 tỉ mét khối/năm. Dự báo nhu cầu nước đến năm 2020 sẽ là 80 tỉ mét khối/năm, năm 2030 sẽ là 87-90 tỉ mét khối/năm. Khối lượng này bằng khoảng 11% tổng tài nguyên nước, hoặc 29% tài nguyên nước nội địa.

Một phỏng đoán khác cho thấy, tổng lượng nước cần cho nền kinh tế quốc dân của Việt Nam đến năm 2020 sẽ lên đến khoảng 510-520 tỉ mét khối/năm. Nhu cầu nước gia tăng trong tình hình số lượng và chất lượng ngày càng suy giảm là một thử thách lớn cho an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

Do các đe dọa và thử thách ngày càng lớn lên an ninh nguồn nước ở Việt Nam, các cơ quan quản lý tài nguyên và cộng đồng địa phương phải có liên kết, có cam kết chính trị và đầu tư tài chính hiệu quả trong việc kiểm kê, quy hoạch, khai thác, phân phối, sử dụng và bảo vệ môi trường nước. Quy hoạch nguồn nước cần làm đồng bộ từ cấp cộng đồng trở lên và không thể giới hạn trong phạm vi một địa phương mà phải đặt trong bối cảnh lớn hơn ở cấp liên vùng, lãnh thổ địa lý quốc gia và liên quốc gia.

Phải có cơ chế pháp lý thông qua các đàm phán chính trị nhằm cân đối và giải quyết các mâu thuẫn nguồn nước giữa các quốc gia ở lưu vực. Bên cạnh, cần củng cố, bổ sung và cụ thể hóa hơn nữa Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng những tình huống mới phát sinh ở hiện tại và tương lai. Các hành vi làm tổn hại nguồn nước phải được chế tài bằng công cụ luật pháp. Cần phải thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường, bảo vệ rừng xanh, sử dụng nước tiết kiệm và chống các biểu hiệu làm suy thoái nguồn nước.

________________________________________

(*) Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên trường Đại học Cần Thơ

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Tin mới hơn
  • Chưa thu phí sử dụng đường bộ trong năm nay
  • Nói và làm: Cứu DN, nhanh, nhiều và dễ dãi?
  • Từ việc tăng lương nghĩ đến bài toán cung – cầu
  • Lương mới, bất cập vẫn cũ
  • Lạm phát 2012: Nhìn thế giới, lo trong nước
  • Tết làm “méo” bức tranh kinh tế tháng 1
  • Tăng trưởng, chỉ số giá và an sinh xã hội
  • Kinh tế Việt Nam: Bàn tay hữu hình hay vô hình đang thắng thế?
  • “Không có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng”
  • Tái cấu trúc, đầu tiên hãy cải tổ hành chính
  • Tăng trưởng tín dụng ngân hàng 2012: Ai ở nhóm nào?
  • Được và mất từ tăng trưởng và lạm phát 2011
  • Điểm nóng Kinh tế 2011: Những con số gây sốc
  • Tái cơ cấu: Ngân hàng mới là “kinh khủng”
  • Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2011 là 18,12%
Tin cũ hơn
  • Lao động “rẻ hóa mắc”
  • Nghịch lý lỗ-lãi trong kinh doanh xăng dầu
  • Thanh toán giá điện theo thị trường sớm hơn
  • Sẽ chi gần 50 tỷ USD cho ngành điện 10 năm tới
  • Tân Chủ tịch nước: Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm!
  • Việc trả lương qua thẻ ATM sẽ được đưa vào Luật Lao động
  • FDI cả nước 7 tháng ước hơn 9 tỷ USD
  • Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Vợ tôi đi chợ về cũng kêu lắm”
  • Miễn thuế quá ít
  • Nhận định của Chính phủ: CPI năm 2011 tăng ở mức 15-17%
  • Câu chuyện CPI
  • Tp.HCM: Tăng 1,07%, CPI tháng 7 tăng tốc trở lại
  • TP.Hà Nội: CPI tháng 7/2011 tăng 1,32%
  • Xuất khẩu nông sản sang trung quốc: Rủi ro vì “ăn xổi”
  • Nhận diện lại FDI : “Mặt trái của tấm huân chương”
Thông tin liên hệ
Trụ sở: 60 Nguyễn Trác Luân, Phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Chi nhánh: Cụm 5 Tổ 27, Đường Nguyễn Xiển, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 84(4) 6257 8668 | Fax: 84(4) 6299 8686
Website: www.vinatep.vn  | Email: contact@vinatep.vn